NÔNG NGHIỆP SẠCH VÂN HỒ, SƠN LA
Trang chủ Mô hình CSA ở Vân Hồ Mô hình CSA sản xuất cam chất lượng cao tại xã Thu Phong

Mô hình CSA sản xuất cam chất lượng cao tại xã Thu Phong

Ngày đăng : 24/10/2023
Tên mô hình:
Nhóm mô hình:
Địa điểm thực hiện: Xã Thu Phong, huyện Cao Phong, Hòa Bình
Cây trồng chính: Cây cam
Tổng diện tích: 19,23 ha
Thời gian thực hiện: 25 tháng
 
Dưới đây là một số thông tin cơ bản về mô hình CSA cam chất lượng tại xã Thu Phong
 
1. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, dân số, lao động xã Thu Phong
Xã Thu Phong có phía Đông giáp xã Tú Sơn của huyện Kim Bôi; Phía Nam giáp xã Đông Phong; Phía Tây giáp xã Bắc Phong; Phía Bắc giáp xã Thống Nhất và phường Chăm Mát thị xã Hoà Bình. Xã có trục đường chính chạy qua như quốc lộ 6 và đường 12B đi Kim Bôi, có điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu phát triển kinh tế, xã hội.
Địa hình xã Thu Phong tương đối phức tạp, nhiều đồi núi gây khó khăn cho việc đi lại của nhân dân trong xã. Độ cao trung bình của xã từ 300- 400m, địa hình có cấu trúc thoải, độ dốc của đồi núi từ 18-200. Nhìn chung địa hình của xã đa dạng và phức tạp gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.
Xã Thu Phong nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm. Trong năm có 2 mùa rõ rệt: Mùa mưa kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9, thời tiết nóng ẩm, nhiệt độ cao, lượng mưa lớn (chiếm khoảng 80% tổng lượng mưa cả năm). Trong mùa mưa có xuất hiện gió lốc và mưa đá. Đặc biệt gió Lào trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 7 khô, nóng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và hoạt động sản xuất; Mùa khô kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, thời tiết hanh khô, nhiệt độ thấp, có mưa phù giá rét. Trong mùa khô, từ tháng 12 đến tháng 1 năm sau thường xuất hiện sương muối ảnh hưởng đến năng suất cây trồng và đời sống của nhân dân.
Nhiệt độ trong năm bình quân từ 230C đến 240C, nhiệt độ trung bình cao nhất là 390C (tháng 7) và thấp nhất là 50C (tháng 12 và tháng 1 năm sau).
Lượng mưa phân bố không đều trong năm. Lượng mưa trung bình hàng năm là: 1.800 – 2.000 mm, tập trung vào các tháng mùa mưa chiếm 80% tổng lượng mưa trong năm.
Xã Thu Phong có tổng số 852 hộ với 3.350 nhân khẩu. Hiện nay, số lao động trong độ tuổi của xã là 2.305 người, chiếm 68,8% dân số. Trong đó, có 1.157 lao động nam và 1.147 lao động nữ; lao động trong nông lâm nghiệp là 1.642 người, chiếm 71,2%; còn lại là lao động tham gia các lĩnh vực công nghiệp, thủ công nghiệp và dịch vụ.
Nguồn nhân lực của xã khá dồi dào nhưng năng suất và hiệu quả lao động thấp do chưa nắm bắt và tiếp thu nhanh các thành tựu khoa học kỹ thuật và chưa sử dụng hết thời gian lao động gây nên sự lãng phí về nguồn lực (Quy hoạch xây dựng nông thôn mới xã Tây Phong huyện Cao Phong tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2011 – 2020).
2. Hiện trạng sản xuất tại khu mô hình
Hình 1: Hiện trạng khu mô hình trồng cam xã Thu Phong
Mô hình CSA tại xã Thu Phong thực hiện trên 5 hộ gia đình với tổng diện tích là 19,23ha. Hộ có diện tích nhỏ nhất là 2,22ha và lớn nhất là 6,04ha. Chủng loại giống, diện tích các loại cam và năm tuổi của các vườn cam của các hộ như sau:
Bảng 1: Chủng loại giống và diện tích cam tại các hộ tham gia mô hình
TT Tên hộ Giống cam và diện tích Tổng (ha)
V2 Cam CS1 Cam Đường Canh
1 Phạm Văn Hùng
1 tuổi/
1,9 ha
1 tuổi/
2,04 ha
2 tuổi/
2,1 ha
6,04
2 Nguyễn Thu Hiền 1 tuổi/
1,5 ha
1 tuổi/
1,1 ha
2 tuổi/
1,14 ha
3,74
3 Chu Văn Hồng 1 tuổi/
1,4 ha
1 tuổi/
1,1 ha
2 tuổi/
1,06 ha
3,56
4 Phậm Hồng Sơn 1 tuổi/
1,6 ha
1 tuổi/
1,1 ha
2 tuổi/
1,07 ha
3,67
5 Nguyễn Như Bình 1 tuổi/
0,9 ha
1 tuổi/
0,7 ha
2 tuổi/
0,62 ha
2,22
 
Cơ cấu cây trồng tại khu mô hình chủ yếu là các giống sau: cam CS1 (thời gian thu hoạch từ tháng 9 đến tháng 11), Quýt Đường canh (thời gian thu hoạch từ tháng 11 đến tháng 1), Cam V2 (thời gian thu hoạch từ tháng 1 đến tháng 4). Với cơ cấu giống như trên có thể tạo ra sản phẩm từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau. Thời gian thu hoạch rải vụ, kéo dài cho phép giảm bớt áp lực về mùa vụ và đáp ứng nhu cầu thị trường. 
Toàn bộ diện tích của khu diện tích đã chọn đều đang trồng cam, quýt. Tất cả các hộ đều có cây cam quýt trong giai đoạn kiến thiết cơ bản (từ 1 – 2 tuổi). Quy trình trồng và chăm sóc của các hộ được tổng hợp từ kết quả điều tra như sau:
+ Làm đất, đào hố: Làm sạch cỏ dại, đào hố theo kích thước rộng 60 - 70cm, sâu 60cm;
+ Bón lót: Phân hữu cơ (50 – 60kg), phân lân (0,6 – 1kg), vôi bột (0,5 – 1kg);
+ Thời vụ: vụ xuân trồng tháng 2 – 4, vụ thu trồng tháng 8 – 10;
+ Mật độ gieo trồng: khoảng cách trồng 4 x 5m, mật độ trung bình 500 cây/ha;
+ Quản lý cỏ dại: Thuốc trừ cỏ hóa học được người dân sử dụng phổ biến trong phòng trừ cỏ dại. Một số vườn có giữ các loại cỏ như: rau trai, cỏ lá tre, cỏ nút áo mọc trong vườn để giữ ẩm trong mùa nắng, chống rửa trôi chất dinh dưỡng trong mùa mưa.
+ Tưới và thoát nước: Hầu hết các vườn cam chỉ tưới nước trong thời kỳ khô hạn của năm. Các đồi trồng cam có địa hình dốc nên khả năng thoát nước tốt.
+ Bón phân: Phân hữu cơ được người trồng cam sử dụng hầu hết là chưa được xử lý đúng quy trình. Ngoài ra các loại phân bón vi sinh, phân bón lá cũng được sử dụng khá phổ biến.
+ Cắt tỉa: Đây là biện pháp kỹ thuật quan trọng nhưng hầu hết các hộ chưa thực hiện đúng quy trình cắt tỉa cho cây có múi. Điều này dẫn đến tán cây không cân đối, nhiều cành tăm, cành khô.
+ Bảo vệ thực vật: Hầu hết các hộ dân đều có hiểu biết về các loại sâu bệnh hại chính trên nhóm cây có múi. Tuy nhiên, việc phòng trừ sâu bệnh chủ yếu bằng thuốc BVTV nên có ảnh hưởng không tốt đến hệ sinh thái và môi trường.
Lực lượng lao động là nữ trực tiếp tham gia các hoạt động canh tác tại vườn cam chiếm 55%. Độ tuổi trung bình của nhóm lao động này là 25 – 45 tuổi.
Hình 2: Sơ đồ khu mô hình
3. Hiện trạng hệ thống tưới tiêu, cơ sở hạ tầng khu mô hình
* Giao thông
Khu tưới nằm cách quốc lộ 6 khoảng 1km. Tuyến đường dẫn vào khu tưới có chiều dài khoảng 2km nối từ đường liên xã được các hộ dân tự mở, phục vụ mục đích vận chuyển giống, vật tư, phân bón cho canh tác là đường đất. Đường vào các lô canh tác cam cũng đã được hình thành tự phát bởi các hộ dân, chủ yếu là đường đất. Khu mô hình cách Tp Hòa Bình 10km và cách thị trấn Cao Phong 4km. Đây là điều kiện thuận lợi để vận chuyển và tiêu thụ nông sản.
* Hiện trạng tưới, tiêu
Nguồn nước:
- Trong khu vực mô hình có hệ thống các hồ chứa nước phân tán tại các khe dưới chân đồi. Các hộ dân đã tự đắp đập ngăn tạo hồ chứa nước và xây dựng 03 bể chứa nước trên 3 đỉnh đồi rồi dùng bơm, bơm nước lên bể để phục vụ tưới cam.
 - Hiện trạng các bể chứa nước và đường ống cấp nước lên các bể đã xuống cấp và dung tích các bể chứa chưa đủ lớn để phục vụ tưới cho toàn bộ diện tích cam hiện có.
Biện pháp tưới:
Biện pháp tưới đang được áp dụng phổ biến trong khu vực xây dựng mô hình là tưới dí gốc..   
* Hiện trạng sở hữu đất canh tác
Trong khu mô hình, diện tích sở hữu trung bình trên hộ lớn là điều kiện thuận lợi để áp dụng các biện pháp cơ giới đồng ruộng.
* Hệ thống điện
Hiện tại trong khu mô hình đã có đường điện 3 pha do các hộ dân kéo về để chạy máy bơm cấp nước cho 03 bể chứa trên cao.
4. Đánh giá sơ bộ về khó khăn thuận lợi trong việc xây dựng mô hình CSA
+) Thuân lợi
- Các điều kiện về địa hình, khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp, là điều kiện tốt cho phát triển của cây cam;
- Người dân sẵn sàng tiếp nhận các giải pháp khoa học công nghệ phục vụ sản xuất;
- Cây cam là cây có giá trị kinh tế cao, có sức hấp dẫn với người dân để đầu tư;
- Khu mô hình đang được đầu tư kênh tưới từ hợp phần 2 để đảm bảo cấp nước tưới cho cây cam;
- Vị trí địa trí thuận lợi, dễ dàng cho giao thương hàng hóa với thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận;
- Diện tích sở hữu trung bình trên hộ lớn là điều kiện thuận lợi để áp dụng các biện pháp cơ giới đồng ruộng;
+) Khó khăn
- Chưa thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ biện pháp kỹ thuật cắt tỉa nên tán cây không hợp lý;
- Bón phân theo chủ quan và chưa căn cứ vào quy trình kỹ thuật, sử dụng nhiều phân hữu cơ (phân tươi);
- Phòng trừ sâu bệnh hại chủ yếu bằng thuốc hóa học, có phần lạm dụng nên lãng phí và gây ô nhiễm môi trường;
- Chưa sử dụng các công cụ bảo hộ lao động; vỏ bao bì thuốc BVTV chưa được thu gom và xử lý gây ô nhiễm môi trường;
- Chưa có hình thức bảo quản sau thu hoạch hiệu quả để giãn thời gian tập trung sản lượng được thu hoạch, giúp tăng và ổn định giá trị sản phẩm.
- Khó khăn về nguồn nước do điều kiện địa hình, địa chất của khu vực; 
- Chưa tưới nước đảm bảo nhu cầu nước của cây theo từng giai đoạn phát triển do không chủ động được nước tưới;
- Hình thức tưới dí chưa hiệu quả, gây lãng phí nước, tăng khả năng rửa trôi chất dinh dưỡng, làm chai cứng đất và xói mòn; 
- Chưa có mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, sản phẩm chủ yếu bán cho thương lái thu gom;
- Chưa có cơ sở tập trung, thu gom, bảo quản và sơ chế sản phẩm sau thu hoạch;
- Chưa có công trình tưới tiêu mặt ruộng để chủ động cấp nước.
Từ khóa : sản xuất , nông nghiệp

Bản đồ thời tiết

  • Các lớp bản đồ
  • Bản đồ cơ bản
Phản ánh phát hiện dịch bệnh