NÔNG NGHIỆP SẠCH VÂN HỒ, SƠN LA

Nông nghiệp sạch vân hồ - sơn la

   Huyện Vân Hồ có vị trí địa lý quan trọng, là cửa ngõ đặc biệt quan trọng của tỉnh Sơn La và vùng núi Tây Bắc, trung tâm huyện cách thành phố Sơn La 130 km về phía Đông Nam, cách thủ đô Hà Nội 170 km về phía Tây Bắc, có trục quốc lộ 6 là tuyến giao thông huyết mạch của vùng Tây Bắc nối liền vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng Bắc Bộ - Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc Việt Nam và các tỉnh Bắc Lào. Với tổng diện tích tự nhiên 98.288,90 ha; Đất nông nghiệp 19.495 ha, chiếm 19,89 % tổng diện tích đất tự nhiên; Đất phi nông nghiệp 3.428 ha, chiếm 0,35% tổng diện tích đất tự nhiên; Đất chưa sử dụng 23.462 ha, chiếm 23,9% tổng diện tích đất tự nhiên.

   Với khí hậu quanh năm mát mẻ, nhiệt độ không khí trung bình/năm khoảng 18,50C đến 250C, lượng mưa trung bình/năm khoảng 1.560 mm, độ ẩm không khí trung bình trên 85%, địa hình huyện nghiêng theo hướng Tây Nam - Đông Bắc tạo hướng chảy chính cho sông, suối trong vùng và chia cắt hình thành các tiểu vùng khác nhau. Nằm trên cao nguyên đá vôi với độ cao trung bình từ 800 - 1000m, mát mẻ với những sản vật độc đáo như chè, rừng thông, bò sữa…, được đánh giá là một trong những khu vực nghỉ dưỡng cực kỳ giá trị không kém Sa Pa, Tam Đảo, Ba Vì hay Đà Lạt… Đây được coi là một lợi thế giúp đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.

   Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp huyện Vân Hồ đã có bước phát triển khá và ổn định. Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tiếp nhận, chuyển giao bộ tài liệu sổ tay hướng dẫn kỹ thuật canh tác theo VietGap cho 1 số loại cây ăn quả đã được huyện Vân Hồ triển khai đồng bộ, sáng tạo và thu được nhiều kết quả tích cực.

   Với phương châm khai thác tốt các thế mạnh của địa phương và thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM trên địa bàn, huyện đã chỉ đạo các xã lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và tập quán canh tác từng vùng. Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị; hình thành các vùng chăn nuôi tập trung gắn với công nghiệp chế biến và dịch vụ thương mại. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính, kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của huyện; khuyến khích người dân sản xuất hàng hóa tập trung, trọng tâm là xây dựng đề án, tái cơ cấu ngành nông nghiệp bền vững.

   Xác định phát triển nông nghiệp hữu cơ là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp. Đây là việc mới, việc khó và còn nhiều thách thức. Tuy nhiên với phương thức sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường, không chỉ góp phần quan trọng vào quá trình phục hồi, duy trì hệ sinh thái tự nhiên, mà còn bảo vệ sức khoẻ con người, khẳng định thương hiệu nông sản Vân Hồ trên thị trường tiêu thụ. Nhiều mô hình mới được triển khai, nhân rộng như trồng gai xanh, hoa cát tường, măng sạch, rau, chè an toàn; ớt, táo Đài Loan, Dứa Queen, gạo tẻ râu...Hiện toàn huyện có 1.409 ha chè, sản lượng chè búp tươi ước đạt 11.299 tấn; 592 ha gai xanh, sản lượng đạt 1.950 tấn; hơn 16ha ớt, sản lượng đạt gần 600 tấn.

    Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được huyện Vân Hồ triển khai theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”. Người dân đã phát huy tốt vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, tự giác đầu tư nâng cấp, sửa chữa chỉnh trang nhà cửa, đường làng ngõ xóm, đóng góp tiền, ngày công, hiến đất để làm đường giao thông nông thôn và các công trình hạ tầng nông thôn khác. Đến nay, huyện có 3 xã đạt chuẩn Nông thôn mới là Vân Hồ, Chiềng Khoa, Tô Múa. Bình quân toàn huyện đạt 8.07 tiêu chí/xã theo Bộ tiêu chí mới; chỉ đạo các xã tập trung xây dựng bản NTM kiểu mẫu, bản NTM nâng cao và bản NTM xã đặc biệt khó khăn đảm bảo tiến độ đề ra. Giai đoạn 2021 - 2025 huyện tiếp tục hỗ trợ 2 xã Xuân Nha, Song Khủa đẩy mạnh tiến độ hoàn thành các tiêu chí, phấn đấu đạt chuẩn vào năm 2025.

   Với mục tiêu “Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh”, năm 2023 huyện Vân Hồ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, Ocop, từng bước khẳng định thế mạnh của nông nghiệp trong định hướng phát triển kinh tế của huyện gắn với hoạt động trải nghiệm nông nghiệp xanh kết hợp với bảo vệ môi trường và sử dụng có hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; triển khai sản xuất nông nghiệp hữu cơ đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.

   Với những nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị trước bao khó khăn, thách thức đan xen, bức tranh “Nông nghiệp Vân Hồ” đã có nhiều đổi mới, đa dạng và đầy sức sống. Các chỉ tiêu kế hoạch cơ bản hoàn thành, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực trên địa bàn, tiếp tục khẳng định vai trò là “bệ đỡ” của nền kinh tế. Đây sẽ là tiền đề, động lực để huyện Vân Hồ bứt phá hơn trong thời gian tới với nhiều quyết tâm và dự định mới, hướng tới mục tiêu đưa Vân Hồ thoát khỏi tình trạng huyện nghèo của tỉnh.

Bản đồ thời tiết

  • Các lớp bản đồ
  • Bản đồ cơ bản
Phản ánh phát hiện dịch bệnh