NÔNG NGHIỆP SẠCH VÂN HỒ, SƠN LA
Trang chủ Mô hình CSA ở Vân Hồ Mô hình CSA sản xuất cam chất lượng cao tại xã Tây Phong tỉnh Hoà Bình

Mô hình CSA sản xuất cam chất lượng cao tại xã Tây Phong tỉnh Hoà Bình

Ngày đăng : 25/10/2023
Tên mô hình:
Nhóm mô hình:
Địa điểm thực hiện: Xã Tây Phong, huyện Cao Phong, Hòa Bình
Cây trồng chính: Cây cam
Tổng diện tích: 6,04 ha
Thời gian thực hiện: 26 tháng
 
Dưới đây là mô hình CSA sản xuất cam chất lượng cao tại xã Tây Phong Tỉnh Hoà Bình
 
1. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, dân số, lao động xã Tây Phong
Xã Tây Phong là một xã nằm ở phía Tây Nam của huyện Cao Phong, cách trung tâm huyện khoảng 5 km, tổng diện tích theo địa giới hành chính là 2.255,11 ha, với số dân 5.204 người, được chia làm 10 xóm.
Vị trí của xã Tây Phong: Phía Bắc giáp với xã Bắc Phong; Phía Nam giáp xã Nam Phong và huyện Tân Lạc; Phía Đông giáp xã Tân Phong; Phía Tây giáp với huyện Tân Lạc.
Xã Tây Phong mang đặc điểm của vùng trung du miền núi, có địa hình khá phức tạp bao gồm các đồi núi kế tiếp nhau, xen kẽ ở giữa là các thung lũng nhỏ, hẹp. Độ cao trung bình so với mực nước biển là 100 m.
Xã Tây Phong nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nên khí hậu được chia làm 2 mùa rõ rệt. Mùa mưa nóng ẩm bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10 và mùa khô lạnh kéo dài từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau.
Với tốc độ phát triển dân số và lao động hiện tại là 1%, trong giai đoạn 2010–2015, tổng số nhân khẩu trên địa bàn xã Tây Phong là 5.204 người với 3.173 người trong độ tuổi lao động. Dân cư của xã phân bố trên 10 xóm, đội. Trong đó, tập trung dân cư đông nhất ở các xóm Bảm, xóm Bằng và xóm Đồi.
2. Hiện trạng sản xuất nông nghiệp khu mô hình
Mô hình CSA tại xã Tây Phong thực hiện trên 10 hộ gia đình với tổng diện tích là 6,04ha. Hộ có diện tích nhỏ nhất là 0,35ha và lớn nhất là 1ha. Chủng loại giống, diện tích các loại cam và năm tuổi của các vườn cam của các hộ được trình bày ở bảng sau:
Bảng 1: Chủng loại giống và diện tích cam tại các hộ tham gia mô hình
TT Tên hộ Giống cam và diện tích Tổng
V2 Xã Đoài Cam CS1 Quýt Đường Canh
1 Lê Văn Thanh 3 tuổi /
0,45 ha
1 tuổi/
0,5 ha
    0,95
2 Nguyễn Văn Hòa     1 tuổi/
0,57 ha
  0,57
3 Ngô Thanh Bình 2 tuổi/
0,3 ha
    2 tuổi/
0,29 ha
0,59
4 Đàm Thị Hảo 1 tuổi/
0,22 ha
  1 tuổi/
0,2 ha
  0,42
5 Nguyễn Văn Thấm 5 tuổi/
0,22 ha
  5 tuổi/
0,2 ha
  0,42
6 Nguyễn Mạnh Đát     3 tuổi/
0,1 ha
3 tuổi/
0,25 ha
0,35
7 Nguyễn Thị Tám   3 tuổi/
0,23 ha
3 tuổi/
0,2 ha
  0,43
8 Cao Thị Hòa 3 tuổi/
0,8 ha
  3 tuổi/
0,14 ha
  0,94
9 Nguyễn Văn Vinh 6 tuổi/
0,3 ha
10 tuổi/
0,2 ha
7 tuổi/
0,3 ha
6 tuổi/
0,2 ha
1
10 Nguyễn Thị Kiều       4 tuổi/
0,37 ha
0,37
 
Cơ cấu cây trồng tại khu mô hình chủ yếu là các giống sau: cam CS1 (thời gian thu hoạch từ tháng 9 đến tháng 11), Cam Xã Đoài (thời gian thu hoạch từ tháng 10 đến tháng 1), Quýt Đường canh (thời gian thu hoạch từ tháng 11 đến tháng 1), Cam V2 (thời gian thu hoạch từ tháng 1 đến tháng 4). Với cơ cấu giống như trên có thể tạo ra sản phẩm từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau. Thời gian thu hoạch rải vụ, kéo dài cho phép giảm bớt áp lực về mùa vụ và đáp ứng nhu cầu thị trường. 
Toàn bộ diện tích của khu diện tích đã chọn đều đang trồng cam, quýt. Có 7/10 hộ cây cam quýt trong giai đoạn kiến thiết cơ bản (từ 1 – 3 tuổi), 2 hộ có cây cam quýt đã cho thu hoạch được từ 1 đến 2 năm, 1 hộ có cây cam quýt cho thu hoạch từ 3 đến 7 năm. Quy trình trồng và chăm sóc của các hộ được tổng hợp từ kết quả điều tra như sau:
+ Làm đất, đào hố: Làm sạch cỏ dại, đào hố theo kích thước rộng 60cm, sâu 60cm;
+ Bón lót: Phân hữu cơ (50 – 70kg), phân lân (0,5 – 1kg), vôi bột (0,5 – 1kg);
+ Thời vụ: vụ xuân trồng tháng 2 – 4, vụ thu trồng tháng 8 – 10;
+ Mật độ gieo trồng: khoảng cách trồng 4 x 5m, mật độ trung bình 500 cây/ha;
+ Quản lý cỏ dại: Thuốc trừ cỏ hóa học được người dân sử dụng phổ biến trong phòng trừ cỏ dại. Một số vườn có giữ các loại cỏ như: rau trai, cỏ lá tre, cỏ nút áo mọc trong vườn để giữ ẩm trong mùa nắng, chống rửa trôi chất dinh dưỡng trong mùa mưa.
+ Tưới và thoát nước: Hầu hết các vườn cam tại Tây Phong chỉ tưới nước trong thời kỳ khô hạn của năm, chưa tập trung tưới cho các thời kỳ cần nước của cây là: thời kỳ bật mầm ra hoa, ra hoa và phát triển quả. Các đồi trồng cam có địa hình dốc nên khả năng thoát nước tốt.
+ Bón phân: Phân hữu cơ được người trồng cam sử dụng với lượng lớn, khoảng 70 – 80 tấn/ha/năm cho vườn cam kinh doanh. Tuy nhiên hầu hết là phân sử dụng chưa được xử lý đúng quy trình. Đối với phân bón đa lượng, chủ yếu sử dụng phân tổng hợp NPK với lượng bón trên 3.000 gam/cây/năm. Ngoài ra các loại phân bón vi sinh, phân bón lá cũng được sử dụng khá phổ biến.
+ Cắt tỉa: Đây là biện pháp kỹ thuật quan trọng nhưng hầu hết các hộ chưa thực hiện đúng quy trình cắt tỉa cho cây có múi. Điều này dẫn đến tán cây không cân đối, nhiều cành tăm, cành khô.
+ Bảo vệ thực vật: Hầu hết các hộ dân đều có hiểu biết về các loại sâu bệnh hại chính trên nhóm cây có múi. Tuy nhiên, việc phòng trừ sâu bệnh chủ yếu bằng thuốc BVTV nên có ảnh hưởng không tốt đến hệ sinh thái và môi trường.
+ Quy trình VietGap:Việc áp dụng VietGAP chưa thực hiện đầy đủ trong tất cả các công đoạn; đến nay chưa có hộ nào trong diện tích này được chứng nhận VietGAP
Tại xã Tây Phong, việc tham gia vào tổ nhóm sản xuất còn tương đối thấp. Thực tế việc hình thành và hoạt động của các tổ chức của người sản xuất cam trên địa bàn huyện còn hạn chế, chính vì vậy chưa thu hút được sự quan tâm của người dân. 
Trên địa bàn xã Tây Phong hiện đang có HTX dịch vụ nông nghiệp thương mại xã Tây Phong mới được thành lập cuối năm 2015 quản lý công tác vận hành hệ thống tưới tiêu và quản lý hoạt động của chợ Tây Phong.
Cơ cấu ban quản lý HTX dịch vụ nông nghiệp thương mại xã Tây Phong gồm 7 người trong đó có 1 Giám đốc, 1 chủ tịch Hội đồng quản trị, 1 kế toán và 4 thành viên. 
Hoạt động của HTX sẽ góp phần tăng tính chủ động và hiệu quả trong quản lý và vận hành các công trình thủy lợi phục vụ nông nghiệp tại xã cũng như hoạt động của chợ tiêu thụ nông sản của xã. Tuy nhiên, HTX mới được thành lập chưa thực sự phát huy hiệu quả do số lượng xã viên HTX chưa cố định, các xã viên và thành viên ban quản trị còn gặp bỡ ngỡ trong quá trình áp dụng mô hình hoạt động mới.
Khu vực xây dựng mô hình CSA trồng cam theo hướng cánh đồng mẫu của xã Tây Phong với tổng diện tích 6,04 ha thuộc sở hữu của 10 hộ gia đình. Có 1 hộ có chủ hộ là nữ. 
Lực lượng lao động là nữ trực tiếp tham gia các hoạt động canh tác tại vườn cam chiếm 60%. Độ tuổi trung bình của nhóm lao động này là 22 – 40 tuổi.
Hình 1: Sơ đồ khu mô hình
3. Hiện trạng hệ thống tưới tiêu, cơ sở hạ tầng khu mô hình
+) Giao thông
- Giao thông liên vùng: cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 90km, cách trung tâm thành phố Hòa Bình 25km
- Giao thông nội vùng: Khu mô hình cách trung tâm thị trấn Cao Phong 3km về phía Nam theo hướng Quốc lộ 6 đi Sơn La. Tuyến đường từ quốc lộ 6 vào khu mô hình dài 2km là đường liên thôn, rộng 3m, kết cấu bằng bê tông. Các tuyến đường giao thông đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại và sản xuất.
+) Hiện trạng tưới, tiêu
Chưa có vườn cam nào trong khu vực xây dựng mô hình được đầu tư hệ thống thủy lợi mặt ruộng. Hệ thống tưới cho vườn cam được 10 hộ này đầu tư gồm hệ thống máy bơm và đường ống tưới, lấy nguồn từ suối Bảm cách vườn tới 1-2km với chi phí rất cao. Một vài hộ có xây dựng bể chứa nước bằng gạch xây quy mô 1-2m3 trữ nước với mục đích hòa thuốc BVTV để phun.
Chế độ dòng chảy thay đổi trong năm của suối Bảm gây ảnh hưởng tới khả năng lấy nước tưới cam của các hộ dân trong khu mô hình. Bên cạnh đó, do không có các thiết bị trữ nước, cộng với việc áp dụng hình thức tưới thủ công nên việc tưới cam khó chủ động vào các tháng mùa khô.
Trong khuôn khổ của dự án WB7, kênh N4 cấp nước từ hồ Cạn Thượng cho khu mô hình đang được hoàn thiện. 
Hình 2: Tuyến kênh N4 của Hợp phần 2 được xây dựng trong khu mô hình
Hình 3: Bể gạch xây dùng để hòa phân bón
+) Hiện trạng điện:
Tại khu tưới, người dân đã kéo đường điện 3 pha dọc theo đường giao thông để phục vụ sản xuất. Cách khu mô hình 1500m có trạm biến áp đội Tây Phong có công suất 100KVA.
Nhận xét: Hệ thống công trình thủy lợi của xã Tây Phong mới giải quyết được nhu cầu nước tưới cho khoảng 50% diện tích đất canh tác toàn xã. Giải pháp tưới dí hiện được 100% hộ dân tại Tây Phong nói chung cũng như 10 hộ dân trong khu vực mô hình nói riêng sử dụng. Giải pháp này đơn giản, dễ sử dụng tuy nhiên gây lãng phí nước tưới, thiếu chủ động trong những tháng khô hạn và cần huy động nhân công trong những thời kỳ cao điểm cần tưới cho cây cam. Việc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước kết hợp với các giải pháp canh tác khoa học sẽ góp phần giải quyết các vấn đề nêu trên của các hộ trồng cam trong mô hình.   
+) Hiện trạng sở hữu đất canh tác
Trong khu mô hình, diện tích sở hữu trung bình trên hộ lớn là điều kiện thuận lợi để áp dụng các biện pháp cơ giới đồng ruộng.
4. Đánh giá sơ bộ về khó khăn thuận lợi trong việc xây dựng mô hình CSA
+) Thuân lợi
- Cây cam là cây trồng chiến lược của tỉnh Hòa Bình, nhiều chính sách hỗ trợ và đầu tư cơ sở hạ tầng được ưu tiên tập trung cho sản xuất cam;
- Sản phẩm cam của huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình đã được đăng kí chỉ dẫn địa lý “Cao Phong”, là công cụ quảng bá và giới thiệu sản phẩm có tính cạnh tranh cao;
- Vùng sản xuất cam được duy trì tập trung ổn định, là điều kiện ban đầu để phát triển sản xuất cam với quy mô hàng hóa, gia tăng chuỗi giá trị;
- Hoạt động của HTX dịch vụ nông nghiệp thương mại xã Tây Phong góp phần tăng liên kết giữa người trồng cam và các bên tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ trong tang cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cam;
- Cây cam là cây có giá trị kinh tế cao, có sức hấp dẫn với người dân để đầu tư;
- Người trồng cam tại xã Tây Phong nói chung và tại khu mô hình nói riêng có điều kiện tiếp xúc và sẵn sàng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.
- Khu mô hình đang được đầu tư kênh tưới từ hợp phần 2 để đảm bảo cấp nước tưới cho cây cam;
- Các tuyến đường giao thông dẫn tới khu mô hình đều đã được kiên cố, đảm bảo vận chuyển vật tư, thiết bị và nông sản;
- Hệ thống điện đã được cấp về tận khu mô hình;
- Vị trí địa trí thuận lợi, dễ dàng cho giao thương hàng hóa với thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận;
- Diện tích sở hữu trung bình trên hộ lớn là điều kiện thuận lợi để áp dụng các biện pháp cơ giới đồng ruộng;
+) Khó khăn
- Chưa thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ biện pháp kỹ thuật cắt tỉa nên tán cây không hợp lý;
- Bón phân theo chủ quan và chưa căn cứ vào quy trình kỹ thuật, sử dụng nhiều phân hữu cơ (phân tươi);
- Phòng trừ sâu bệnh hại chủ yếu bằng thuốc hóa học, có phần lạm dụng nên lãng phí và gây ô nhiễm môi trường;
- Tỉ lệ lao động là nữ giới trong canh tác vườn cam lớn, hạn chế về khả năng chăm sóc thường xuyên cho vườn cam;
- Chưa sử dụng các công cụ bảo hộ lao động; vỏ bao bì thuốc BVTV chưa được thu gom và xử lý gây ô nhiễm môi trường;
- Chưa có hình thức bảo quản sau thu hoạch hiệu quả để giãn thời gian tập trung sản lượng được thu hoạch, giúp tăng và ổn định giá trị sản phẩm.
- Chưa tưới nước đảm bảo nhu cầu nước của cây theo từng giai đoạn phát triển do thiếu các thiết bị chủ động nguồn nước và thiếu quy trình tưới nước hợp lý;
- Hình thức tưới dí chưa hiệu quả, gây lãng phí nước, tăng khả năng rửa trôi chất dinh dưỡng, làm chai cứng đất và chi phí nhân công cao; 
- Thời gian cao điểm của đợt tưới là từ tháng 1 đến tháng 3. Vào thời gian này, lượng nước trong suối nhỏ, không ổn định, chất lượng nước không đảm bảo (nước đục, cặn…), thêm vào đó việc thiếu các công trình trữ nước tại ruộng gây ra khó khăn trong việc cung cấp đủ nước tưới cho cây Cam. 
- HTX mới được thành lập, các hoạt động quản lý điều hành hoạt động sản xuất nông nghiệp, vận hành tưới tiêu, chợ tiêu thụ nông sản vẫn còn nhiều hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới. 
- Chưa có mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, sản phẩm chủ yếu bán cho thương lái thu gom.
- Chưa có cơ sở tập trung, thu gom, bảo quản và sơ chế sản phẩm sau thu hoạch.
- Chưa có công trình tưới tiêu mặt ruộng để chủ động cấp nước.
Từ khóa : khuyến nông , nông nghiệp , csa

Bản đồ thời tiết

  • Các lớp bản đồ
  • Bản đồ cơ bản
Phản ánh phát hiện dịch bệnh