NÔNG NGHIỆP SẠCH VÂN HỒ, SƠN LA
Trang chủ Mô hình CSA ở Vân Hồ Mô hình CSA chuyên canh rau an toàn tại xã Tượng Sơn, Thạch Hà, Hà Tĩnh

Mô hình CSA chuyên canh rau an toàn tại xã Tượng Sơn, Thạch Hà, Hà Tĩnh

Ngày đăng : 25/10/2023
Tên mô hình:
Nhóm mô hình:
Địa điểm thực hiện: Cánh đồng Nương Cộ và cánh đồng Hạ Bái, Xã Tượng Sơn, Thạch Hà, Hà Tĩnh
Cây trồng chính: Rau an toàn
Tổng diện tích: 20,437 ha
Thời gian thực hiện: 3 năm
 
Một số thông tin chung về mô hình chuyên canh rau an toàn tại xã Tượng Sơn, Thạch Hà, Hà Tĩnh
 
1. Giới thiệu chung
- Tên mô hình: Xây dựng mô hình CSA chuyên canh rau an toàn tại xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà
- Địa điểm: Cánh đồng Nương Cộ và cánh đồng Hạ Bái, Xã Tượng Sơn, Thạch Hà, Hà Tĩnh.
- Quy mô: Tổng diện tích 20,437 ha (Cánh đồng Nương Cộ: 11,285 ha; Cánh đồng Hạ Bái: 9,152 ha)
2. Đặc điểm đất đai
Theo tài liệu về báo cáo tài nguyên đất tỉnh Hà Tĩnh về đặc điểm nông hóa thổ nhưỡng cho thấy đất đai xã Tượng Sơn thuộc loại phù sa cổ không được bồi đắp hàng năm. Tính chất chất glây trung bình hoặc mạnh, thành phần cơ giới trung bình đến nặng, lân dễ tiêu, nghèo, độ pH thấp (chua). Đối với vùng sát sông Rào Cái bị nhiễm mặt. Cụ thể đất đai ở xã chia thành 2 nhóm chính sau:
Nhóm thủy thành: chiếm 92,35% tổng diện tích tự nhiên toàn xã, bao gồm đất đồng bằng, đất ven sông được bồi đắp và không được bồi hàng năm, thành phần cơ giới thịt nhẹ đến trung bình, độ phì khá, thích hợp với cây trồng lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày và rau màu các loại. Số còn lại là đất pha cát, lầy úng, thấp trũng, ngập úng vào mùa mưa, khó tiêu nước…loại đất này phù hợp với nuôi trồng thủy sản.
Nhóm địa thành: Có diện tích ít nằm chủ yếu ở các đòi gò thấp như núi Săng, núi Mồ, núi Ngói, chất lượng đất thấp.
Theo điều tra khảo sát, ngoài khu vực đã được trồng rau khá bằng phẳng thì đất đai vùng trồng lúa và trồng lạc xung quanh 2 cánh đồng Hạ Bái và Nương Cộ cũng khá bằng phẳng, đất đai tơi xốp, khả năng thoát nước tốt có thể cải tạo, chuyển đổi sang sản xuất rau màu.
Hai cánh đồng Nương Cộ và Hạ Bái được lựa chọn xây dựng mô hình thuộc nhóm thủy thành là đất đồng bằng thành phần cơ giới thịt nhẹ đến trung bình, độ phì khá. Kết quả phân tích phẫu diện đất tại cánh đồng Hạ Bái như sau:
Hình thái phẫu diện đất tại cánh đồng Hạ Bái
Địa hình toàn vùng: Bằng phẵng
Tiểu địa hình: vàn
Độ dốc: < 30
Thực vật tự nhiên: cỏ hòa thảo
Cây trồng: rau, lạc
Đá mẹ, mẫu chất: Cát biển
Vị trí lấy mẫu: 105053'44” Kinh độ Đông; 18022'22” Vĩ độ Bắc
Mô tả phẫu diện
0 – 15cm: cát ướt, nâu vàng, nhão, cấu tượng không rõ, nhiều rễ cây nhỏ, chuyển lớp rõ
15 – 35 cm: Cát pha thịt, ẩm, nâu xám, có vết đỏ vàng của oxit sắt, rời rạc, chặt ít, glay nhiều, chuyển lớp từ từ
35 – 60 cm: Thịt pha cát, ẩm, màu nâu xám, có vết đỏ vàng, chặt ít, ít xốp, glay trung bình, chuyển lớp rõ
60 – 120 cm: thịt pha cát ẩm, màu xám, có nước ngầm
Bảng 1: Tính chất lý hóa, phẫu diện đất tại xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà
Chỉ tiêu Tầng 0 – 15 cm Tầng 15 – 35 cm Tầng 35 – 60 cm
pH (KCl) 5,2 4,51 3,87
OM (%) 0,49 0,92 0,78
Tổng số (%) N 0,044 0,078 0,72
P2O5 0,021 0,023 0,022
K2O 0,26 0,54 0,79
Dễ tiêu (mg/100 g đất) P2O5 1,60 1,50 1,60
K2O 11,7 18,7 1,60
Cation trao đổi (meq/100g đất) Ca 2+ 1,62 7,2 1,80
Mg 2+ 1,98 2,7 1,80
CEC 5,07 12,77 8,06
BS % 35,6 51,1 27,3
Meq/100g đất Fe 3+ 0,22 0,14 0,30
Al 3+ 4,00 1,94 1,18
Thành phần cơ giới (%) 2 – 0,02 mm 91,4 77,2 68,8
0,02 – 0,002 mm 4,4 12,8 17,6
< 0,002 mm 4,2 10,0 13,6
 
                                      Nguồn: Viện KHKT NLN miền núi phía bắc, 2015 
Qua kết quả phân tích đất cho thấy: đất có phản ứng chua, riêng tầng mặt do ảnh hưởng của mặn nên pH (kcl) = 5,2. Tổng chất hữu cơ nghèo (<0,1 %). Đạm tổng số nghèo (0,04 – 0,08 %), lân tổng số nghèo (0,021 – 0,023 %), kali tổng số nghèo (0,26 – 0,79 %), lân dễ tiêu rất nghèo 1,5 – 1,6 mg/100g đất; kali dễ tiêu trung bình (11 – 18 mg/100g đất), kim loại kiềm và kiềm thổ thấp (Ca 2+; Mg 2+) riêng tầng 2 trung bình (9,7 meq/100g đất) tầng mặt có hàm lượng Cl % là 0,07 %. Thành phần cơ giới đất nhẹ, đặc biệt tầng đất mặt, tỷ lệ cấp hạt cát vẫn lớn hơn 90 %, các tầng dưới 68 – 77 %; cấp hạt limon và sét ở tầng dưới có tỷ lệ lớn hơn từ 20 – 30 %, phần nào nói lên đây là sản phẩm phù sa sông lẫn trầm tích biển.
3. Đặc điểm khí hậu, thủy văn
Tượng Sơn là xã nằm trong vùng khí hậu Bắc Trung Bộ có đặc điểm chung khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng và ẩm, nhưng do kiến tạo đặc thù về địa hình đã làm cho khí hậu phân hóa mạnh và trở thành khắc nghiệt làm ảnh hưởng lớn đến kết quả sản xuất nông nghiệp. Nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 24,1oC, lượng mưa trung bình năm 2513,4 mm, năm lớn nhất 3000 mm, số ngày mưa trung bình năm 165 ngày, lượng mưa lớn nhất trung bình 519 mm. Lượng nước bốc hơi bình quân năm 1061,1 mm, độ ẩm không khí bình quân năm 86%. Trong năm được phân thành 2 mùa chính ứng với 2 mùa gió thịnh hành: gió mùa Đông Bắc thổi từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau (vào đầu mùa này thường có gió bão và kèm theo mưa lớn gây ngập lụt, cuối năm thì gây rét đậm rét hại). Gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh từ tháng 4 đến tháng 8 (mùa này lượng mưa ít gây khô nóng).
Sông Rào Cái có chiều dài 74 km, nhưng từ cửa sông đến trạm thuỷ văn Kẻ Gỗ là 24,4 km, đến tuyến đập chính là 29 km. Độ dốc bình quân đến trạm thủy văn là I = 0,0022, đến tuyến đập chính là I = 0,0023, diện tích lưu vực sông tính đến trạm thủy văn Kẻ Gỗ là 230km2, đến tuyến đập chính là 223km2.. Phía tả ngạn lưu vực là núi cao. Phía hữu ngạn là những đồi thấp liên tiếp. Diện tích rừng che phủ trong lưu vực trước đây là 50%. Vào mùa nắng, nước Rào Cái thường cạn, mùa mưa nước lại lên nhanh, nhưng nhờ hệ thống đê kiên cố sông Rào Cái tạo nguồn lợ tốt cho một vùng rộng lớn Cẩm Xuyên, Thạch Hà và thành phố Hà Tĩnh.
Cần đánh giá nguồn nước ở 2 cánh đồng thuộc khu mẫu.
Hai cánh đồng đều nằm gần sông Rào Cái do đó cần xem xét nguồn nước từ sông này bao gồm chất lượng nước mặt và khả năng sử dụng để tưới cho các diện tích rau màu ven sông.
4. Những thuận lợi, khó khăn
*  Những thuận lợi 
Nông dân cần cù chịu khó, ham học hỏi, một số hộ đã có kinh nghiệm sản xuất rau truyền thống.
Chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất rau, có nhiều chính sách trong hỗ trợ và phát triển sản xuất rau hàng hóa;
Các vùng sản xuất rau được quy hoạch tập trung đã được đầu tư một số cơ sở hạ tầng ban đầu;
Hiệu quả sản xuất rau của nông dân đã được cải thiện với giá trị thu được bình quân đạt 240 – 260 triệu đồng/ha/năm, lãi trung bình 113 – 120 triệu đồng/ha/năm, mức lãi đạt cao hơn 6 lần so với trồng lúa và 3 – 4 lần so với trồng lạc (cây trồng cạnh đất rau).
Mạng lưới tiêu thụ đã bước đầu hình thành và phát triển tạo tiền đề cho phát triển rau hàng hóa
*  Những tồn tại hạn chế
Chuyển đổi diện tích trồng lúa, lạc sang trồng rau; những hộ đang trồng hai loại cây này chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật trồng rau.
Hệ thống tưới/tiêu chưa đáp ứng nhu cầu tưới cho cây rau, đặc biệt cánh đồng Nương Cộ hiện vẫn đang sử dụng nước hồi quy từ sản xuất lúa để tưới cho rau.
Nguồn nước từ hệ thống thủy lợi Kẻ Gỗ (nguồn nước sẽ được dùng tưới cho khu mẫu) chủ yếu tưới cho lúa theo định kỳ, không phù hợp với nhu cầu tưới cho rau (phải tưới thường xuyên, kể cả thời gian không nằm trong định kỳ cấp nước của hệ thống thủy lợi – do đó cần xây dựng các ao chứa nước)
Sản xuất rau của địa phương chủ yếu theo truyền thống, chưa áp dụng các biện pháp sản xuất rau sạch, rau an toàn nên cần được trang bị kiến thức và thực hành sản xuất rau sạch, rau an toàn.
Thị trường manh mún, chưa có liên kết tiêu thụ sản phẩm với khối lượng lớn.
Thời tiết khắc nghiệt do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên vụ đông thường bị rét đậm rét hại kéo dài có những năm vụ đông phải xuống giống đến lần thứ 3 mới thành công. Vụ hè thu thường bị nắng gay gắt gây hạn hán làm giảm năng suất và thời gian cho thu hoạch các loại cây rau quả (giảm tuổi thọ của cây rau quả ví dụ cây dưa chuột vụ xuân hè thời gian thu hoạch khoảng 45 ngày thì vụ hè thu chỉ 30 ngày là cây tàn).
Sản xuất cây rau chưa có quy hoạch; quy mô còn nhỏ lẻ, manh mún, phân tán, chưa có các vùng sản xuất chuyên rau tập trung lớn, trong khi diện tích có thể sản xuất rau trên địa bàn rất nhiều. Chưa quy hoạch xây dựng mô hình phát triển vùng sản xuất RAT tập trung;
Hệ thống cơ sở hạ tầng như giao thông, kênh mương, điện phục vụ, thiết bị phục vụ sản xuất còn hạn chế chưa đáp ứng đủ yêu cầu của thực tiễn sản xuất.
Tiêu thụ rau chủ yếu là sản phẩm rau tươi sử dụng trong ngày. Chưa có các cơ sở sơ chế bảo quản,…nên giá trị sản phẩm rau đạt chưa cao. Mạng lưới kinh doanh rau vừa thiếu vừa yếu. Thiếu có hệ thống cửa hàng bán tiêu thụ, công tác quảng bá và giới thiệu sản phẩm còn hạn chế. Thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa vùng sản xuất và doanh nghiệp thu mua sản phẩm.
Nhu cầu về thị trường chưa ổn định. Chưa hình thành mối liên kết giữa sản xuất và kinh doanh RAT, nên sản xuất RAT chưa được mở rộng và phát triển.

Bản đồ thời tiết

  • Các lớp bản đồ
  • Bản đồ cơ bản
Phản ánh phát hiện dịch bệnh